7/5/20

Bệnh Học Ung thư hố mũi

Bệnh Học Ung thư hố mũi

Ung thư hố mũi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ở trẻ em thường là saccôma, ở người lớn thường là êpitêliôma.

Êpitêliôma thường thấy là loại tế bào trụ, tế bào lát hay tế bào gai. Đôi khi có cả ung thư của liên bào ít biệt hoá, loại này nhạy cảm với quang tuyến X.

U trụ (cylindrome) được xếp vào loại ác tính nhưng tiên lượng của nó tương đối tốt.

Saccôma hiếm hơn êpitêliôma. Nó thường khu trú ở vách ngăn và đôi khi ở cuốn mũi hoặc ngách mũi. Bệnh tiến triển nhanh, ít di căn vào gan như những saccôma khác. Saccôma tế bào xơ (sarcome fibroblastique) chiếm đa số, so với saccôma tế bào lyphô non (sarcome limphoblastique). Saccôma nhiễm hắc tố và u thần kinh cảm giác (esthésio neurome) khá hiếm.

Nói chung ung thư ở tầng khứu giác nhiều hơn ung thư ở tầng hô hấp. Hầu hết những ung thư ở tầng khứu giác đều lan vào xoang sàng hoặc xoang hàm và đôi khi vào xoang bướm. Ung thư mũi ít khi tràn lên xoang trán.

Các loại u ác tính ở mũi ít gây ra di căn và hạch bị xâm nhập muộn.

Bệnh tăng võng (resticulose) ở mũi có thể lành tính hoặc ác tính. Chúng tôi sẽ nói về vấn đề này trong bài bệnh tăng võng trong tai mũi họng.

1         Triệu chứng
Các u ác tính ở mũi có triệu chứng gần giống nhau dù là êpitêliôma hay saccôma. Tiến triển của bệnh gồm hai giai đoạn lớn : giai đoạn khu trú trong mũi và giai đoạn tràn lan ra các bộ phận khác.

1.1      Giai đoạn khu trú.
Bệnh bắt đầu bằng ngạt mũi và chảy mũi. Chất chảy ra là tiết nhầy hoặc tiết nhầy mủ giống như viêm mũi mạn tính. Đôi khi bệnh nhân xì ra có tí máu lẫn với tiết nhầy. Những triệu chứng này ngày càng tăng và chỉ khu trú ở một bên mũi. Soi mũi trong thời kỳ này ít khi thấy được khối u.

Vài tháng sau, khối u phát triên to lên, bệnh nhân tắc một bên mũi và có khi hở một bên tai. Bệnh nhân bắt đầu đau ở vùng trán, chung quanh hố mắt hoặc nửa bên đầu.

Soi mũi sau khi lau sạch mủ và nhỏ côcain - adrenalin sẽ thấy khối u.

Saccôma hay khu trú ở phần trước của vách ngăn, dưới dạng một khối u nhẵn màu vàng hoặc màu đỏ sẫm, làm phồng sụn tứ giác lên. Dùng que trâm thăm dò thấy khối u chắc và dính liền với vách ngăn, không có cuống.

Trái lại êpitêliôma thường bắt đầu ở ngách giữa và thể hiện bằng một vết loét sần sùi, bờ không đều, dễ chảy máu trên một niêm mạc thâm nhiễm và đỏ bầm. Trước vết loét có thể có vài pôlyp nhỏ. Trong giai đoạn này hạch dưới hàm và ở cổ chưa bị ung thư xâm nhập.

Soi mũi sau có thể thấy tổ chức sùi thòi ra ở ngách giữa, nhưng nó không vượt ra khỏi lỗ mũi sau.

Soi bóng mờ thấy xoang hàm bên bệnh không sáng.

Vách ngăn có thể bị dồn về phía bên lành.

Chụp X quang theo tư thế Blôngđô (Blondeau) sẽ thấy xoang sàng bị mờ, nhưng đó chỉ là phản ứng hoặc viêm nhiễm thêm.

Sinh thiết rất cần cho chẩn đoán, nhưng phải làm đi làm lại nhiều lần mới có kết quả vì dễ cắt nhầm vào tổ chức viêm hay nát rữa.

1.2      Giai đoạn lan rộng.
Sang giai đoạn này ung thư lan rộng vào các bộ phận lân cận… Các triệu chứng trở nên phong phú và việc chẩn đoán cũng không còn khó khăn nữa.

Nếu là ung thư vách ngăn thì nó sẽ làm thủng sụn và lan sang hố mũi bên kia. Đồng thời ung thư cũng phát triển lên phía trên và đẩy dồn xương chính của mũi ra phía trước. Ung thư cũng có thể phát triển xuống dưới sàn mũi và làm thủng xương hàm ếch.

Nếu là ung thư ở ngách giữa nó sẽ tràn vào xoang sàn và xoang hàm gây ra đau dưới ổ mắt. Khối u cũng có thể lấn xương giấy, đẩy dồn nhãn cầu về phía ngoài, chèn ép lệ đạo hoặc phá vỡ xương giấy xâm nhập vào ổ mắt gây ra ltê liệt các cơ mắt và mù mắt.

Nếu là ung thư ở phần sau của mũi, có sẽ chiu ra cửa mũi sau và chiếm lấy vòm mũi họng, đồng thời bệnh nhân có những triệu chứng viêm xoang bướm: nhức đầu sau gáy, mờ xoang bướm, viêm thần kinh thị giác sau nhãn cầu.

Ung thư cũng có thể tràn len khe khứu giác, tiêu huỷ mảnh sàng, bộc lộ màng não với những hậu quả tai hại như viêm màng não, apxe não.

Chụp X.quang giúp chúng ta rất nhiều trong việc định khu và đánh giá sự tràn lan của ung thư. Người ta thường chụp theo ba tư thế:

- Tư thế trán mũi phim hay sọ thẳng (steen huis) để xem xoang sàng và xoang trán.

- Tư thế cằm đỉnh (Hirtz) để xem xoang sàng và xoang bướm.

- Tư thế bán diện (profil) để xem nền sọ.

Ngoài ra chúng ta còn có thể chụp cắt lớp (tomỏgaphic) theo hình diện trán : chụp 4 lớp, mỗi lớp cách nhau 1 cm bắt đầu từ góc ngoài của mắt.

X quang sẽ cho chúng ta thấy ba loại thương tổn: mờ đục, tiêu xương và đẩy dồn. Nếu chỉ có một trong ba hình ảnh nói trên thì chưa thể khẳng định là ung thư được, nhưng nếu ba loại thương tổn đó có đầy đủ trên một phin thì rất khả nghi là ác tính.

Hình ảnh mờ đặc trưng của xoang không có nghĩa là xoang bị ung thư hoá, viêm xoang cũng có những bóng mờ tương tự.

Biến diễn của ung thư mũi kéo dài từ một đến ba năm. Bệnh nhân sẽ chết vì suy mòn, vì chảy máu, vì biến chứng viêm nhiễm nội sọ hoặc ở phổi. Trong bệnh này di căn tương đối hiếm.

2         Chẩn đoán
Chẩn đoán ung thư ở mũi cũng như ung thư ở chỗ khác đều dựa vào sinh thiết. Riêng ở mũi phải hết séc dè dặt. Một sinh thiết âm tính không có nghĩa là bệnh nhân không có ung thư.

Như chúng ta đã nói ở phần trên, ung thư có thể ở trong sâu và bị che đậy bởi một lớp pôlyp lành tính mà khi làm sinh thiết chúng ta bấm phải.

Nếu sinh thiết âm tính cần phải đi làm lại nhiều lần, ở nhiều chỗ khác nhau và trong những thời gian khác nhau.

Trong khi chẩn đoán cần phải phân biệt với các bệnh :

- Ung thư xoang sàng - hàm trong có ung thư bắt đầu ở xoang, còn ở đây ung thư bắt đầu ở mũi, nhưng lúc ung thư mũi đã lan đến xoang thì hai bệnh đều giống như nhau.

- Granulôm ác tính ở giữa mặt : sinh thiết luôn luôn âm tính.

- Luput mũi : dựa vào sinh thiết.

- Giang mai mũi : dựa vào phản ứng B.W và sinh thiết.

- Pôlyp chảy máu của vách ngăn : làm sinh thiết bằng dao điện để tránh chảy máu. Vả lại bệnh tiến triển rất chậm, không có tính chất xâm lăng như ung thư.

3         Điều trị
Chúng ta có thể điều trị bằng phẫu thuật hoặc bằng quang tuyến X; nhưng tốt hơn là nên phối hợp cả hai : phẫu thuật và quang tuyến.

Phẫu thuật : rạch mũi ra để bộc lộ thương tổn, dùng đông điện tiêu diệt toàn bộ khối u, xong rồi khâu lại. Độ 15 hôm sau chúng ta gửi bệnh nhân đi áp quang tuyến Rơnghen.

Phương pháp quang tuyến X đơn thuần chỉ dành để cho những trường hợp quá nặng, không mổ được và chỉ có tác dụng tạm bợ.

Người ta có thể dùng Coban liệu pháp thay Rơnghen liệu pháp.




EmoticonEmoticon