30/4/16

Triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh bình thường, mãn kinh sớm

Dấu hiệu, Triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh bình thường, mãn kinh sớm và việc dự phòng mãn kinh ở phụ nữ


I.Tiền mãn kinh
1.Định nghĩa:
+Giai đoạn trước khi mãn kinh gọi là tình trạng tiền mãn kinh.
 (Mãn kinh là tình trạng hết kinh vĩnh viễn sau khi buồng trứng ngưng tiết estrogen. Mãn kinh được xác định chắc chắn khi hết kinh liên tục trong 12 tháng). 
+Giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài 2-5 năm với các t.c rối loạn kinh nguyệt...

2.Nguyên nhân
+Nguồn gốc của mọi thay đổi trong thời kỳ này là do giảm đáp ứng của buồng trứng với các nội tiết tố hướng sinh dục
 - dẫn tới sự rối loạn trong trưởng thành của noãn bào.
 - đưa đến những chu kỳ không rụng trứng hoặc rụng trứng khó khăn.
+ Do đó, đầu tiên là lượng progesterone giảm rồi đến lượt estrogen giảm sau. Dẫn tới một tình trạng cường estrogen tương đối với các biểu hiện lâm sàng:
 - Tăng tính thấm thành mạch khiến người phụ nữ đau vú, dễ phù
 - Chất nhờn cổ tử cung trong và lỏng suốt chu kỳ làm người phụ nữ thấy ra nhiều khí hư hơn.
 - Tăng phân bào ở mô vú và nội mạc tử cung dẫn tới nguy cơ tăng sinh bất thường và ung thư.
 - Rối loạn kinh nguyệt dưới dạng chu kỳ ngắn hoặc thưa (1-2 tháng) bị rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh.

3.Triệu Chứng Tiền mãn kinh
* Lâm sàng thường thấy các triệu chứng sau:
+ Rối loạn kinh nguyệt
 - Bắt đầu kinh đến sớm muộn thất thường,
 - lượng ít, hoặc nhiều có khi rất nhiều (băng huyết) hoặc ngưng đột ngột.

+ Rối loạn thần kinh thực vật
 - Nóng sốt, bừng bừng đỏ mặt, ra mồ hôi, hoa mắt, ù tai,
 - nóng nảy, dễ tức giận hoặc lo nghĩ trầm cảm,
 - lưng gối đau mỏi, đau đầu, họng khô nóng, miệng khô, nôn, buồn nôn,
 - hồi hộp, mất ngủ, hay quên, tư tưởng khó tập trung hoặc chân tay tê rần, cảm giác kiến bò.

+ Rối loạn chuyển hoá
 - Cơ thể mập ra, lên cân
 - hoặc phù, tiêu chảy.

4. Chẩn Đoán Tiền mãn kinh:
 Chủ yếu dựa vào
+Tuổi từ 40 đến 55, có rối loạn kinh nguyệt, kinh kỳ sớm muộn không đều, lượng nhiều hoặc ít hơn trước đó hoặc đột ngột tắt kinh.
+Mặt đỏ, nóng bừng, ra mồ hôi, người nóng nảy, bứt rứt, váng đầu, hoa mắt, đau lưng, mỏi gối, bồn chồn, không tập trung tư tưởng.
+Có điều kiện kiểm tra nội tiết tố: lượng Estrogen.

 5. Xử trí-Phòng ngừa
+ Điều trị - tham khảo Bs CK sản
 (tham khảo phác đồ điều trị mãn kinh).

+ Lưu ý:
- Tiền mãn kinh là thời kỳ mà người phụ nữ dễ mắc nhiều loại bệnh khác cho nên cần có sự kiểm tra toàn diện như trường hợp kinh ra nhiều cần chú ý loại trừ ung thư bộ phận sinh dục.
- Ở giai đoạn Tiền mãn kinh, do sự mất điều hòa của công năng hệ thống thần kinh thực vật cùng với sự mất ổn định của mạch máu khiến 75 - 80% chị em hay bị chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi do máu lên não không đều, huyết áp không ổn định, tay chân có thể bị lạnh ngắt do quá trình tưới máu kém; tinh thần bất ổn, luôn lo lắng, căng thẳng, mất ngủ; hay bị buồn nôn, đầy bụng, bí đại tiện..
- Có tới 10% các triệu chứng trên ở mức nghiêm trọng, cần được quan tâm chữa trị. Những người nghiện rượu, thuốc lá, ăn cay và dùng nhiều đồ kích thích, tỉ lệ gặp những triệu chứng lên cao nhất, lên tới trên 70%. Đứng thứ 2 là những phụ nữ kinh nguyệt không đều, từ 40-85%. Cuối cùng những người kinh nguyệt đều đặn chỉ 17% có triệu chứng trên và thường là nhẹ.
- Cùng với những biến động của các cơ quan trong cơ thể, thời kì Tiền mãn kinh, phụ nữ cũng trải qua những thay đổi về tâm lý và tinh thần. Thay đổi thường gặp nhất chính là lo âu. Phụ nữ có thể lo âu vì bất cứ lý do gì, nhưng lo nhất là sự thay đổi về hình thức như đuôi mắt xuất hiện nếp nhăn, tóc bạc, ngực chảy sệ, tăng cân... khiến sức hấp dẫn với chồng, người tình và với cả xã hội không còn như trước. Chính sự lo âu, cộng với những xáo trộn do thay đổi nội tiết khiến nhiều chị em buồn vui thất thường, hoặc cáu gắt vô cớ.
- Ngoài lo âu, rất nhiều chị còn mặc cảm về trí tuệ, về đóng góp của mình với xã hội và gia đình không còn được như trước, không còn bằng bạn bè, đồng nghiệp. Sự mặc cảm đó nếu không được giải tỏa sẽ khiến các chị ngày càng thu mình lại, có cảm giác cô độc, thấy cuộc sống tẻ nhạt, hoài nghi về giá trị tồn tại của mình, từ đó sinh ra trạng thái bi quan, tiêu cực, lo lắng, u uất, dễ kích động. Vấn đề này hay gặp nhiều ở phụ nữ lao động trí óc, thành đạt trong sự nghiệp, có vị trí nhất định trong xã hội.
- Một thể biến đổi tâm lý nữa ở phụ nữ Tiền mãn kinh là trở nên khó tính, cáu kỉnh, nói nhiều, hay xoi mói chuyện của người khác. Tất cả những thay đổi tâm lý nói trên sẽ dẫn đến những hệ lụy cho sức khỏe: Mệt mỏi, mất ngủ, chán ăn, tiêu hóa không tốt... nhiều người thậm chí còn bị tăng huyết áp trong thời gian này.
- Theo thống kê, 40% phụ nữ bị ung thư vú và ung thư phần phụ chủ yếu là ở giai đoạn tiền mãn kinh và đã mãn kinh. Biện pháp cụ thể để phát hiện sớm nhất ung thư ác tính là kiểm tra sức khỏe toàn diện hàng năm, bao gồm: thể trọng, huyết áp, răng miệng, vú, kiểm tra phụ khoa. Ngoài ra, nên xét nghiệm nước tiểu, công năng gan, mỡ trong máu, chụp gan, phổi, tim... Các biện pháp kiểm tra này gần đây đã được phổ biến, giúp phát hiện chính xác không ít bệnh tiềm ẩn, bệnh nhân sớm được điều tri.

II.Mãn kinh bình thường
1.Định nghĩa: (Menopause)
+ Mãn kinh là hậu quả của tình trạng nang trứng không còn hoạt động do:
 - bị teo đồng thời bị giảm sản xuất các hormon của buồng trứng
 - và gia tăng chế tiết các hormon hướng sinh dục của tuyến yên như hormon kích thích nang trứng (FSH) và hormon kích thích tạo hoàng thể (LH).
+ Mãn kinh, đơn giản có nghĩa là chấm dứt kinh nguyệt vĩnh viễn. Từ này xuất phát từ chữ Hy Lạp có nghĩa là "tháng" (men) và "sự chấm dứt" (pausis).
+ Mãn kinh không phải là bệnh - mà là một sự kiện tự nhiên trong đời một người phụ nữ do sự giảm sản xuất các hormone sinh dục ở buồng trứng, đặc biệt là estrogen. Những hormone này giúp người phụ nữ mang thai, gây hiện tượng hành kinh và ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác trong cơ thể, như: hệ tuần hoàn, hệ niệu - sinh dục (đường tiểu và âm đạo), và xương.
+ Trong khi một số phụ nữ không có triệu chứng mãn kinh, thì một số khác lại có triệu chứng kéo dài nhiều năm, thường từ 40 đến 55. Phần lớn phụ nữ có thể biết họ đang đến gần tuổi mãn kinh khi chu kỳ kinh nguyệt thay đổi.
+ Chính thức gọi là mãn kinh khi người phụ nữ đã không còn ra kinh trong 12 tháng liên tục

2.Các triệu chứng (dấu hiệu) mãn kinh:
+ Các cơn bốc hoả và đổ mồ hôi đêm:
- Bốc hoả - cảm giác nóng bừng lan rộng trên cơ thể người phụ nữ, đặc biệt là ở đầu, mặt và ngực.
- Nó thường đi kèm với hiện tượng da đỏ bừng (mặt đỏ lên) và đổ mồ hôi, tiếp theo có thể là cảm giác ớn lạnh.

+ Khô âm đạo
- Niêm mạc tử cung cần estrogen để được bôi trơn và đàn hồi. Giảm nồng độ estrogen có thể gây teo (mỏng và mất dần tính đàn hồi). Điều này thường dẫn đến khô âm đạo, làm cho việc giao hợp trở nên đau đớn hoặc không thoải mái.
- Ngoài ra, bỏng rát, ngứa âm đạo, ra khí hư và thậm chí xuất huyết âm đạo cũng có thể xảy ra.

+ Mất ham muốn tình dục
- Mất quan tâm hoặc giảm ham muốn tình dục có thể xảy ra triệu chứng này, liên quan chủ yếu đến giảm estrogen.
- Khô âm đạo và thay đổi tính nhạy cảm của da khiến không muốn vuốt ve là các yếu tố dẫn đến thay đổi thiên hướng tình dục.

+ Triệu chứng đường tiểu
- Thiếu estrogen kết hợp với mãn kinh có thể làm mỏng mô niệu đạo và bàng quan.
- Người phụ nữ có thể bị: mót tiểu nhiều, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện, són nước tiểu khi ho hoặc cười lớn, nhiểm khuẩn bàng quang.

+ Ảnh hưởng tâm lý
- Phụ nữ mãn kinh thường lo âu hoặc thay đổi tính khí
- dễ kích động, mất tập trung, nhức đầu, giọng nói như muốn khóc, mệt mỏi và trầm cảm.

+ Ngoài ra, mất estrogen còn kết hợp với một số bệnh lý nghiêm trọng khác, bao gồm loãng xương, rụng răng và suy giảm nhận thức.

+ Theo các điều tra dịch tể học của BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và các đồng nghiệp thực hiện vào những năm 1998, 2003 và 2006 trên hàng ngàn phụ nữ mãn kinh cho thấy:
- Hơn 40% phụ nữ gặp triệu chứng vận mạch như bốc hoả, vã mồ hôi.
- Cũng từng đó phụ nữ mãn kinh có thay đổi tính tình như: cáu gắt, buồn bực…
- Từ 30 – 35% có nhiều rối loạn về tiết niệu sinh dục, như: tiểu buốt, tiểu gắt, giao hợp đau và hầu như phụ nữ trên 60 tuổi không còn giao hợp nữa.
- Những phụ nữ bị mãn kinh “bắt buộc” do phẫu thuật tử cung hay buồng trứng thì các triệu chứng trên còn đến đột ngột và khó chịu nhiều hơn như các triệu chứng vận mạch lên đến hơn 50%, các rối loạn sinh dục tiết niệu lên đến 80%...

3.Xử trí
* Theo chuyên gia thuộc Hội Mãn kinh Quốc tế (The International Menopause Society – IMS), mỗi phụ nữ là một thực thể riêng biệt và cần phải có những quyết định đầy đủ hiểu biết về tình trạng sức khoẻ của mình. Số phụ nữ từ 50 tuổi trở lên trên thế giới đang gia tăng. Tuổi thọ trung bình cũng gia tăng. Phụ nữ có thể hy vọng sống lâu hơn ở tuổi sau mãn kinh.

a. Điều trị không dùng nội tiết
+ Giảm bốc hỏa
- Do các thuốc điều trị nội tiết gây nhiều nguy cơ nên các nhà nghiên cứu đã đi tìm những loại thuốc khác không phải nội tiết để điều trị những khó chịu này.
- Loại thuốc mới nhất được ưa chuộng là những chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) do có nhiều hứa hẹn trong tác dụng làm giảm những triệu chứng rối loạn vận mạch.
- Effexor (venlafaxine) Prozac (fFluoxetine) và Paxil (paroxetine) là những chất có tác dụng làm giảm có ý nghĩa các triệu chứng bốc hỏa trong nhiều nghiên cứu thực nghiệm lâm sàng.
- Trong đó, Effezor và Paxil dường như mang lại hiệu quả nhiều hơn. Hiệu quả này đạt được khi sử dụng với liều Effexor 75 mg/ngàym Paxil 25 mg/ngày và Paxil CR 12,5 mg đến 25 mg/ngày.
- Một số các biện pháp khác cũng được đề cập như thảo dược và chế độ ăn uống nhưng chỉ cho tác dụng giới hạn trong việc làm giảm triệu chứng bốc hỏa như vitamin E hoặc một loại dược thảo của vùng Đông Bắc Mỹ (black cohosh) trộn với đậu nành. Mặt khác, sự thư giãn cũng có ích lợi trong việc điều trị cơn bốc hỏa.

+ Bớt mất ngủ
- Valerian và tryptophan từ lâu được khuyến cáo sử dụng để hỗ trợ giấc ngủ. Tryptophan dường như khá an toàn cho người sử dụng, nhưng không nên dùng chung với các loại SSRI hoặc các chất ức chế monoamin oxidase do có nguy cơ gây nên hội chứng serotonin. Valerian cũng được chứng minh khá an toàn và không gây hiện tượng tích tụ thuốc. Valerian được trích tinh từ một loại rễ cây, làm thành dạng trà, bột, đông khô hoặc viên nang. Nghiên cứu gần đây chứng minh rằng dùng valerian đông khô 270 – 600 mg/ngày trong 2-4 tuần sẽ cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.
- Các thảo dược khác như chamomile, passion flower, lemon balm, lavender, catnip và skull cap cũng được giới thiệu có tác dụng an thần nhưng hầu hết chưa được chứng minh qua thử nghiệm lâm sàng.
- Có rất ít nghiên cứu đánh giá tác dụng của việc luyện tập thân thể đối với giấc ngủ, nhưng cũng có vài nghiên cứu ủng hộ ý kiến cho rằng tập luyện thân thể cải thiện được giấc ngủ bằng cách tăng tổng thời gian ngủ và giảm thời gian ru vào giấc ngủ. Để gia tăng tối đa lợi ích của việc tập thể dục đối với giấc ngủ, từng cá nhân phải được tham vấn rằng thời gian tập quan trọng hơn cường độ tập, và việc luyện tập nên được thực hiện trước khi đi ngủ từ 5 đến 6 giờ (tối thiểu 3 giờ).
-Phương pháp điều trị mất ngủ hay nhất là luyện tập thói quen ngủ. Mục đích điều chỉnh những kiểu ngủ không thích hợp bằng cách chỉ dành thời gian nằm trên giường để ngủ, tạo giấc ngủ đều đặn và luyện tập thân thể. Đồng thời khuyến khích thực hành lối sống tốt nhằm tạo giấc ngủ hiệu quả.

+ Giảm rối loạn niệu dục
- Phụ nữ bị khô âm đạo có thể sử dụng một loại thuốc không phải nội tiết.
- Nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng của Replens tương đương với estrogen dạng kem trong vấn đề cải thiện phết tế bào âm đạo hoặc triệu chứng khó chịu tại chỗ.
- Một loại khác cũng được sử dụng để điều trị, đó là KY jelly. Replen có thời gian tạo ẩm lâu hơn và pH âm đạo cũng thấp hơn, đồng thời cũng được sự ưa chuộng của phụ nữ nhiều hơn so với KY jelly (62% so với 25%).
- Phụ nữ bị tiểu không kiểm soát cũng có thể sử dụng kỹ thuật luyện tập thói quen. Một nghiên cứu trong đó phụ nữ được luyện tập bàng quang 6 tuần, số phụ nữ trong nhóm điều trị có giảm 50% triệu chứng so với nhóm giả dược chỉ có 15%.

b. Liệu pháp nội tiết thay thế
* Estrogen được sử dụng rộng rãi từ 1930 nhằm làm giảm những triệu chứng khó chịu của thời kỳ mãn kinh. Từ 1990-1992 thì con số này đã lên đến 46%. Nay giảm xuống hơn 30%
* Liệu pháp estrogen thay thế (ERT) và liệu pháp nội tiết thay thế (HRT) đều có tác dụng ngăn ngừa nhiều rối loạn mạn tính liên quan đến tuổi già bao gồm bệnh lý tim mạch và loãng xương.
* Mặc dù WHI cho thấy HRT không nên dùng để ngăn ngừa những bệnh mạn tính, HRT vẫn là phương pháp tốt nhất để điều trị những rối loạn thời kỳ mãn kinh. Thời gian dùng ngắn dưới 5 năm được khuyến cáo cho phụ nữ vì nguy cơ tuyệt đối rất ít.

+ Hạ Bốc hỏa
- Những sản phẩm uống, qua da hoặc vòng âm đạo được chứng minh làm giảm khoảng 80% những cơn bốc hỏa.
- Những estrogen dạng kem có độ hấp thu toàn thân khoảng 4% nên không có tác dụng trên những triệu chứng toàn thân như bốc hỏa.
- Trong một tổng quan, Shanafelt đã kết luận rằng tác dụng trên hệ vận mạch chủ yếu là do estrogen - với liều cao thì hiệu quả hơn.
- Progestin không có tác dụng khi kết hợp với estrogen liều tiêu chuẩn, nhưng một nghiên cứu thực nghiệm gần đây chứng minh rằng nếu kết hợp với estrogen liều thấp thì lại có tác dụng giảm bốc hỏa.
- Như vậy việc kết hợp progestin trong công thức estrogen liều thấp (estrogen liên hợp CEE < 0,625 mg) cũng làm tăng tác dụng điều trị giống như công thức estrogen liều tiêu chuẩn (CEE 0.625 mg).
- Một lựa chọn khác cho việc điều trị triệu chứng bốc hỏa là sử dụng công thức progestin đơn thuần. Depo medroxyprogesteron acetat, megestrol acetat và progesteron dạng kem bôi ngoài cũng được chứng minh làm giảm triệu chứng đến 80 – 90% trường hợp. Tuy vậy công thức này cũng không được sử dụng rộng rãi vì tính an toàn của nó: có thể tăng nguy cơ thuyên tắc mạch và cũng có thể tăng nguy cơ ung thư vú.

+ Giảm Mất ngủ
- Từ lâu HRT được cho là có tác dụng làm cải thiện giấc ngủ bằng cách làm giảm tần suất và độ nặng của những cơn bốc hỏa.
- Một nghiên cứu gần đây trên 63 bệnh nhân mãn kinh đã xác định tác dụng này, nhưng đồng thời cũng cho thấy ERT cải thiện chất lượng giấc ngủ độc lập với tác dụng làm giảm triệu chứng vận mạch.
- Tuy nhiên một nghiên cứu trên 62 bệnh nhân với việc phân tích giấc ngủ thì người ta thấy không có sự khác nhau về thời gian ru giấc ngủ, các giai đoạn của giấc ngủ, hiệu quả của giấc ngủ hoặc tổng thời gian ngủ giữa 2 nhóm có điều trị ERT và giả dược.
- Như vậy có lẽ ERT cải thiện giấc ngủ nhờ tác dụng làm giảm thiểu sự thức giấc nửa đêm, chứ không phải thay đổi chất lượng giấc ngủ hoặc khả năng ru vào giấc ngủ.

+ Rối loạn niệu dục
- Khô âm đạo, đau khi giao hợp và viêm ngứa là những than phiền của hầu hết những phụ nữ thời kỳ tiến mãn kinh và mãn kinh.
- Các triệu chứng thường được cải thiện khi sử dụng các sản phẩm estrogen tại chỗ như vòng âm đạo, kem hoặc viên đặt. Đó chính là HRT được lựa chọn khi có những rối loạn tại vùng âm đạo.
- Mặc dù tất cả sản phẩm HRT tại chỗ đều cho tác dụng tương đương nhau, nhưng chúng lại không được sự chấp thuận đồng đều của người sử dụng. Thêm vào đó, chúng có tác dụng khác nhau đối với nội mạc tử cung.
- Trong một nghiên cứu so sánh 17β estradiol 25 mg viên đặt âm đạo (Vagifem) với estrogen liên hợp (CEE: conjugated equine estrogen) dạng kem 1,25 mg/ngày - cả 2 sản phẩm cho cùng tác dụng cải thiện những khó chịu âm đạo.
- Tuy nhiên dùng kem CEE liều cao hơn lại ít được bệnh nhân chấp nhận sử dụng và gia tăng đáng kể nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung.
- Trên lâm sàng, nhiều phụ nữ dùng CEE liều thấp hơn 1,25 mg, nhờ vậy ít bị nguy cơ tăng sinh nội mạc tử cung.
- Vòng âm đạo dường như dễ được chấp nhận hơn dạng kem. Trong một nghiên cứu so sánh vòng âm đạo và kem CEE 0.625 mg: dạng vòng được đánh giá “tốt” trong 84% số phụ nữ so với 43% ở dạng kem. Dạng vòng cũng ít gây tăng sinh nội mạc tử cung hơn dạng kem CEE.
- HRT cũng có tác dụng làm giảm một ít triệu chứng đường tiểu, Bachman chứng minh rằng những sản phẩm ERT cho tác dụng giảm triệu chứng tiểu khó và tiểu gấp. Tác dụng của HRT đối với tiểu không kiểm soát chưa được chứng minh rõ ràng và tác dụng này thay đổi tùy theo dạng thuốc sử dụng.

5.Việc dự phòng mãn kinh
 là một cơ hội để người phụ nữ phòng bệnh và cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống lâu dài.
+Duy trì việc tập thể dục thường xuyên hàng ngày
+Hạn chế dùng caffein, đường, muối và rượu
+Không hút thuốc lá
+Ăn những thức ăn chứa đủ calci và vitamin D
+Sắp xếp công việc để ngủ đủ giấc và đều đặn
+Dùng liệu pháp hormone nếu cần
+Duy trì chế độ ăn ít mỡ, cân đối.

III.Mãn kinh sớm
1. Đại cương
+ Nếu mãn kinh xảy ra trước tuổi 40 thì gọi là "mãn kinh sớm", còn gọi là "buồng trứng ngừng hoạt động sớm".
+ Tình trạng buồng trứng sớm ngừng hoạt động đã được nhận dạng từ năm 1950,
- khi một công trình nghiên cứu 20 phụ nữ tuổi 11 đến 35 ghi nhận các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh.
- Cụ thể là, những phụ nữ này đã trải nghiệm mất kinh, những cơn mặt đỏ bừng, tăng thể trọng và teo âm đạo mức độ khác nhau.
+ Kể từ đó, hội chứng buồng trứng sớm ngừng hoạt động đã được xác lập chắc chắn trong y văn
- và tiếp theo nhiều trường hợp tương tự được công bố.
- Mặc dầu, lúc đầu người ta cho rằng buồng trứng ngừng hoạt động là không thể phục hồi, song về sau có nhiều trường hợp xuất hiện trở lại các kỳ kinh đã được thông báo, kể cả những trường hợp thấy có thai tiếp theo đó.

2.Triệu chứng  ( dấu hiệu ) Mãn kinh sớm
a. Những nét đặc trưng của hội chứng này gồm:
+vô kinh thứ phát,
+gia tăng sản xuất hormon hướng sinh dục (tại tuyến yên)
+và các mức độ giảm chất estrogen (do nang trứng tiết ra).

b.Có kết hợp với các yếu tố di truyền (do gien), nội tiết và tự miễn.
Tuy vậy điều trị có khả năng thấy kinh trở lại, thậm chí có khả năng mang thai ở một số phụ nữ.

3. Nguyên nhân mãn kinh sớm
a. buồng trứng ngừng hoạt động sớm
+ Có đủ các loại giả thiết đã được nêu lên nhằm cắt nghĩa sự thể rõ là buồng trứng tiếp tục hoạt động trở lại.
+ Có hai týp buồng trứng không hoạt động ngay từ đầu dựa vào các khảo sát mô bệnh học: không có nang trứng và nang trứng không hoạt động.
- Trong trường hợp có nang trứng thì tình trạng teo sớm các nang có thể do hoặc tiêu kiệt quá nhanh các nang hoặc tốc độ tiêu kiệt bình thường nhưng số nang ngay từ đầu đã quá ít.
- Trong trường hợp nang trứng không hoạt động thì buồng trứng tỏ ra không đáp ứng với kích thích nội tiết (hromon hướng sinh dục của tuyến yên). Những phụ nữ MKS do nang trứng không hoạt động dường như có nhiều khả năng thấy lại hành kinh hơn và có khả năng hoàn tất cuộc thụ thai nếu điều trị nội khoa thích hợp.

b.Yếu tố tạo tế bào:
+ Không phát triển tuyến sinh dục;
- Những phụ nữ có rối loạn trong quá trình tạo tế bào sinh dục thì thường vô kinh nguyên phát hoặc hiếm thấy hơn, vô kinh thứ phát và tăng các nồng độ hormon hướng sinh dục.
- Những phụ nữ này có các buồng trứng hình sọc nhỏ và thường không có sai lạc nhiễm sắc thể.

+ Phụ nữ có hội chứng Turner
- thiếu một nhiễm sắc thể X, bộ nhiễm sắc thể mang ký hiệu 45X, nhất là thể sai lạc thể nhiễm sắc hình khảm
- nghĩa là có nhiều dòng tế bào với đủ loại các thành phần thể nhiễm sắc giới tính thì thường có triệu chứng tương tự.
- Những nét đặc trưng ngoại hình của hội chứng Turner (h1) gồm: thân hình nhỏ thó (so với người phụ nữ bình thường),
- vú và bộ phận sinh dục không phát triển, núm vú nhỏ phía gần hai nách,
- có nếp da ở cổ (da thừa) 2 bên, chân tóc bám thấp phía gáy,
- người phụ nữ này hoàn toàn không có kinh ngay từ đầu.

+ Trong cả hai trường hợp hội chứng Turner và không phát triển tuyến sinh dục
- các thai nhi đều có số lượng noãn bào (oocytes) bình thường lúc thai 20 tuần tuổi, nhưng gần như không có noãn bào nào lúc mới đẻ. Sở dĩ như vậy có thể là vì teo noãn bào quá nhanh.
- Tuy vậy, nếu tình trạng teo không hoàn toàn thì vẫn có khả năng dậy thì, phóng noãn và có thai.

+ Sau này, buồng trứng ngừng hoạt động sớm còn được phát hiện thấy ở phụ nữ có hội chứng ba thể nhiễm sắc X, một số trường hợp khác lại thấy xuất hiện hội chứng X này ở một số chị em trong cùng một gia đình.

c.Yếu tố tự miễn dịch:
+ Có khá nhiều trường hợp buồng trứng sớm ngừng hoạt động thấy kết hợp với các rối loạn tự miễn mà thường gặp nhất là các bệnh: giảm năng cận giáp, giảm năng thượng thận và bệnh nhiễm nấm da - niêm mạc.
+ Các bệnh tự miễn khác có kèm buồng trứng sớm ngừng hoạt động gồm: viêm tuyến giáp, viêm khớp dạng thấp, bệnh nhược cơ nặng, đái tháo đường và thiếu máu ác tính.
+ Những phụ nữ này thường có số lượng nang trứng bình thường nhưng lại có các kháng thể kháng buồng trứng, và buồng trứng sớm ngừng hoạt động là do tính miễn dịch chứ các cơ quan khác thì hoạt động bình thường.

d.Các khuyết tật hormon và enzym:
+Có thể là các nồng độ giảm thiểu LH và FSH hoặc hoạt tính sinh học bất thường nhưng hoạt tính miễn dịch học vẫn bình thường đã đóng một vai trò trong sớm ngừng hoạt động buồng trứng.
+May thay, những phụ nữ này tỏ ra đáp ứng tốt với trị liệu bằng hormon hướng sinh dục khi MKS.

e. Hội chứng buồng trứng không đáp ứng
+Những phụ nữ vô kinh nhưng nồng độ hormon hướng sinh dục cao và số nang trứng bình thường (được chứng minh bằng sinh thiết buồng trứng) thì tạo ra một hội chứng gọi bằng hội chứng buồng trứng không đáp ứng, có nghĩa là có một khuyết tật thụ thể hormon tại buồng trứng.
+Những phụ nữ này thường không đáp ứng với thuốc hormon hướng sinh dục với liều thông thường.

4. Xét nghiệm Chẩn đoán bệnh
+Những phụ nữ trước tuổi 40 có các dấu hiệu và triệu chứng mãn kinh cần được thăm khám toàn thân và tiến hành các xét nghiệm để xác định bệnh, như:
- Định lượng LH, FSH, estrdiol trong máu hàng tuần trong nhiều tuần tiếp theo.
- Định týp nhân tế bào (nhiễm sắc thể).
- Tìm các yếu tố dạng thấp, kháng thể kháng nhân, kháng thể buồng trứng.
- Định lượng hormon kích thích tuyến giáp và kháng thể kháng giáp, định lượng cortisol (buổi sáng).
- Tiến hành sinh thiết buồng trứng, nếu có chỉ định.

5. Điều trị mãn kinh sớm
+Việc điều trị đặc hiệu có thể mang tới kết quả thấy kinh và phóng noãn tiếp tục trở lại.
+Nếu là bệnh tự miễn thì dùng liệu pháp cortisol hoặc trích huyết tương nhằm làm giảm các kháng thể trong máu lưu hành.
+Nếu là những hình thái hormon hướng sinh dục bất thường thì dùng menotropin, một số dùng estrogen cũng có kết quả.
+Những phụ nữ sớm ngừng hoạt động buồng trứng cần được tư vấn nhất là mãn kinh quá sớm. Tình trạng giảm nồng độ estrogen có thể khiến âm đạo trở nên khô, teo, vú cũng teo, tăng thể trọng và những trở ngại về mặt tâm - tính dục.

+Nên nhấn mạnh rằng chỉ những phụ nữ còn lại một số noãn bào trong buồng trứng mới có cơ may tiếp tục lại phóng noãn và thụ thai. Có thể giúp người MKS thụ thai trong ống nghiệm bằng cách lấy tinh trùng của người chồng đem thụ thai với noãn của một người cho.

+Với phụ nữ MKS muốn thụ thai, có thể dùng estrogen phối hợp progesterone theo chu kỳ sẽ ngăn ngừa teo âm đạo, teo vú và còn bảo vệ khỏi loãng xương và bệnh tim mạch.
- Liều thông thường là 1,25mg estrogen dạng liên hợp vào những ngày 1-25 hàng tháng
- và 10mg medroxyprogesterone acetate vào những ngày 16-25.
- Quy trình này được thực hiện trong 6 tháng, rồi ngừng lại theo dõi có phóng noãn và hành kinh không.
- Nếu sau 3 tháng không thấy hành kinh và phóng noãn thì có thể dùng lại một chu kỳ tiếp theo.



EmoticonEmoticon